*Sửa đổi chính sách bảo hiểm y tế phải bám sát thực tiễn
Sau sáu năm triển khai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 đã bộc lộ một số những bất cập, không còn phù hợp thực tiễn...
Ngày 1/1/2015, Luật Bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và có những thay đổi quan trọng đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cũng nhận thấy nhiều hạn chế, bất cập mà Luật Bảo hiểm y tế cần phải sửa đổi.
Sửa đổi phải bám sát thực tiễn
Tại cuộc họp lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) với các đơn vị trong Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết, tháng 7/2021, Bộ Y tế có Tờ trình số 983/TTr-BYT gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), trong đó tập trung năm chính sách chính cần sửa đổi cùng các mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện. Trong quá trình tham gia góp ý cho dự thảo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã chỉ ra một số điểm cần bổ sung, các điểm chưa phù hợp thực tiễn mà Dự thảo Luật đề cập.
Theo đó, về chính sách mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, cần rà soát tất cả các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đang được quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để không bỏ sót như: Nhóm đối tượng là người tham gia kháng chiến, nghệ nhân, nghèo đa chiều, dân quân tự vệ thường trực... Đồng thời, đề nghị cân nhắc việc đưa các đối tượng chưa đủ giấy tờ tùy thân hay chứng minh về nhân thân vào quy định là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế trong Luật, bởi tất cả các đối tượng đều phải được xác nhận về nhân thân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về chính sách mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng, cần đánh giá tác động của việc mở rộng phạm vi quyền lợi đồng thời với các chính sách khác, như: Lộ trình điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, bệnh Covid-19 được chuyển sang nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B, khả năng điều chỉnh tăng mức đóng bảo hiểm y tế trong thời gian tới để bảo đảm được nguyên tắc phạm vi quyền lợi phù hợp khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế... Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị cân nhắc về đề xuất quy định gói bảo hiểm y tế bổ sung theo nguyên tắc phi lợi nhuận do tổ chức bảo hiểm y tế cung cấp. Bởi, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra, điều đó sẽ không bảo đảm công bằng trong tài chính y tế đối với người dân tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, chỉ quy định các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tham gia cung cấp các gói bảo hiểm y tế bổ sung.
Về chính sách đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị bổ sung quy định giao Bộ Y tế ban hành các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế được tham gia vào hệ thống cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Về chính sách nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành bảo hiểm y tế, ý kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị làm rõ nội hàm của giám định bảo hiểm y tế. Hiện nay, hoạt động này của Bảo hiểm xã hội Việt Nam bản chất là thực hiện kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế. Và, quy trình giám định bảo hiểm y tế mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thực hiện là các quy trình kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đề nghị thanh toán với chỉ định trên hồ sơ bệnh án, để xác định sự phù hợp các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về khám, chữa bệnh và các văn bản khác có liên quan (đấu thầu mua sắm, quy định về giá...). Vì vậy, “hoạt động giám định thực chất là hoạt động kiểm soát chi phí của cơ quan chi trả - cơ quan Bảo hiểm xã hội”.
Phải bảo đảm sự bền vững của chính sách
Tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, việc phân tích rõ hơn mục tiêu tổng quát của việc xây dựng văn bản luật này là để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân bền vững. Vì vậy, các góp ý cho Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) từ các đơn vị nghiệp vụ cần bảo đảm tính khả thi, thống nhất và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội.
Tham gia góp ý kiến, các đơn vị nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ ra những vấn đề cần làm rõ hơn trong Dự thảo Luật như: Thống nhất quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; đánh giá tác động đến Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế khi mở rộng đối tượng; các quy định giám sát, cơ chế tài chính bảo đảm quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế hiệu quả, phù hợp thực tiễn...
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế tiếp thu các ý kiến đóng góp, thống nhất quan điểm chung của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tích cực phối hợp Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Các kiến nghị phải bảo đảm căn cứ từ thực tế, dự báo các tác động của chính sách với mục tiêu lớn nhất là hướng về người dân, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân.
(Báo Nhân dân)
*Huyện Đông Anh: Tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh đạt gần 99%
Đến thời điểm này, tỷ lệ học sinh THCS và THPT được tiêm đủ từ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) đạt 99,8% đảm bảo đủ sức khỏe cho học sinh trong quá trình học tập.
Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh Nguyễn Thành Luân cho biết, tính đến hết ngày 25/3, số ca nhiễm Covid-19 tại các trường học trên địa bàn huyện có 3.779 trường hợp (3.481 học sinh và 298 giáo viên).
Riêng với hệ thống các trường dạy nghề có 10/11 trường đang tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến, 1 trường chưa tổ chức học là trường Trung cấp công nghệ và quản trị Đông Đô.
“Huyện đã thực hiện nghiêm túc công tác tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19 đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học và học sinh từ 12 tuổi trở lên. Đến nay, tỉ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học đã tiêm đủ 2 mũi đạt 99,6%, 3 mũi đạt 83,5%. Tỉ lệ học sinh THCS và THPT tiêm 2 mũi đạt 98,8%” – ông Nguyễn Thành Luân cho hay.
Đông Anh là một trong những địa bàn ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất trên địa bàn TP Hà Nội, tính từ đầu tháng 12/2021 đến nay, ghi nhận tổng số 133.230 ca F0 tại 24 xã, thị trấn. Số F0 đã điều trị khỏi bệnh là 103.694 người; 29.527 F0 đang theo dõi tại nhà; 90 người đang điều trị ở bệnh viện tuyến II; 9 F0 tử vong tại nhà đều là những người có tiền sử bệnh nền và tuổi cao.
Cũng theo đại diện Phòng Y tế huyện Đông Anh, TP Hà Nội hiện đã mở cửa các hoạt động du lịch, cơ sở nhà hàng, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động bình thường, nới lỏng hoạt động tập trung đông người sẽ là thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn nói riêng. Vì vậy, huyện vẫn quyết liệt chỉ đạo tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, tập trung vào một số nhiệm vụ như: tiếp tục tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, thể dục đối với F0 điều trị ở nhà, nhận biết dấu hiệu chuyển nặng để kịp thời thông tin với Tổ chăm sóc F0 tại nhà.
Đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 mùa Xuân, hoàn thành tiêm 100% mũi 3 cho người đến lịch tiêm trong tháng 3/2022; đối tượng nguy cơ chưa được tiêm liều cơ bản và liều bổ sung, liều nhắc lại theo kế hoạch.
Tập trung việc quản lý, phân loại các đối tượng nguy cơ trên địa bàn đã tiêm, chưa tiêm, đang nhiễm Covid-19... để hạn chế tối đa tỉ lệ tử vong. Đồng thời tiếp tục kiện toàn nhân lực các Tổ hỗ trợ chăm sóc F0 điều trị tại nhà, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, chăm sóc bệnh nhân; đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch, chăm sóc y tế cho học sinh, giáo viên khi quay trở lại học trực tiếp theo chỉ đạo của TP.
(Báo Kinh tế đô thị)
*Hà Nội: Thuốc điều trị COVID-19, kit xét nghiệm ‘hạ nhiệt’
Sau khi ca mắc COVID-19 tại Hà Nội giảm xuống dưới 10.000 ca mỗi ngày, thị trường các loại thuốc điều trị COVID-19, kit xét nghiệm cũng bắt đầu ‘hạ nhiệt’, nhiều cửa hàng bình ổn giá hỗ trợ người dân.
Hiệu thuốc không còn cảnh xếp hàng, giá thuốc ‘hạ nhiệt’
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại các cửa hàng thuốc tại Hà Nội không còn cảnh người dân xếp hàng để mua thuốc như hơn 1 tuần trước - thời điểm Hà Nội liên tục ghi nhận hơn 30.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày.
Tại khu vực nhà thuốc Hapulico - một trong những trung tâm phân phối thuốc lớn nhất Hà Nội - không còn cảnh nhộn nhịp mua bán, thay vào đó là hình ảnh người mua thưa thớt.
Bà H., chủ một cửa hàng thuốc tại quận Thanh Xuân, cho biết từ một tuần nay thị trường thuốc liên quan đến điều trị COVID-19 đã ổn định hơn.
"Những loại thuốc như bổ phế, kháng viêm, kháng đông, nước súc miệng hay kit xét nghiệm nhanh lúc nào cũng cháy hàng giờ đã ổn định nguồn hàng, giá cả 'mềm' hơn so với trước", bà H. cho hay.
Tại quận Hoàn Kiếm, một dược sĩ của chuỗi cửa hàng thuốc, cho biết: "Thời gian đỉnh dịch, một ngày chúng tôi bán ra khoảng 20 liệu trình thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir. Nhưng một tuần nay, mỗi ngày chỉ bán 5-7 liệu trình. Các loại thuốc liên quan đến điều trị COVID-19 như kháng đông, kháng viêm và kháng sinh cũng giảm đi trông thấy".
Lý giải, dược sĩ này cho biết do dịch bệnh tại Hà Nội bắt đầu giảm nhiệt, bên cạnh đó người dân không còn tâm lý hoang mang mua các loại thuốc tích trữ nên thị trường bình ổn hơn.
Bình ổn giá thuốc, kit xét nghiệm nhanh COVID-19
Tại số 13 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, điểm bán kit xét nghiệm nhanh COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội được đưa vào phục vụ người dân với giá 39.000 đồng/kit, anh N.V.H. (quận Thanh Xuân) mua ở cửa hàng bình ổn giá nên tiết kiệm được 300.000 đồng cho 10 kit xét nghiệm nhanh.
"Công việc của tôi tiếp xúc nhiều người, khi có triệu chứng hoặc tiếp xúc gần F0 tôi phải test kiểm tra xem mình có mắc COVID-19 hay không. Thường tôi mua 60.000 - 70.000 đồng/kit, khá tốn kém nếu sử dụng liên tục. Vì vậy mua được kit xét nghiệm nhanh với giá rẻ giúp tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ", anh H. chia sẻ.
Bà Trần Lệ Thu, đại diện điểm bán bình ổn giá kit xét nghiệm nhanh COVID-19, cho biết: "Sau thời gian tìm kiếm nguồn cung cấp ổn định, cùng với các nhà hảo tâm hỗ trợ, điểm bán bình ổn giá kit xét nghiệm đã được triển khai.
Tại đây, người dân có thể mua kit xét nghiệm với giá 39.000 đồng/kit với số lượng không giới hạn. Cửa hàng cam kết bán giá bình ổn này kể cả khi Hà Nội bùng phát dịch trở lại. Chúng tôi mong việc mua được kit xét nghiệm COVID-19 với giá cả phải chăng sẽ giúp người dân giảm được áp lực kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lớn".
Bên cạnh điểm bình ổn giá kit xét nghiệm nhanh, nhiều cửa hàng cũng bắt đầu bình ổn giá thuốc điều trị COVID-19.
Tại một chuỗi cửa hàng thuốc, giá thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir trước đây có giá 250.000 đồng/liệu trình giảm còn 230.000 đồng/liệu trình. Ngoài ra, cửa hàng giảm giá cho người bệnh thuộc hộ nghèo còn 200.000 đồng/liệu trình.